Doanh nhân đương thời
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

  • Kiến thức
  • Hết đường quấy rối tình dục trên xe buýt

Hết đường quấy rối tình dục trên xe buýt

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (TTQLGTCC) TP.HCM vừa chính thức ra mắt tuyến xe buýt đặc biệt màu cam với các biện pháp hạn chế tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em trên phương tiện vận tải hành khách công cộng.

 

“Hành trình xe buýt màu cam an toàn” với chủ đề “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em” - M.Q
 
Hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” và “Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động đoàn kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phát động, sáng 28.11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, TTQLGTCC, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) Việt Nam, Action Aid Việt Nam và Công ty truyền thông SunrisesVN đã phối hợp tổ chức sự kiện “Bữa sáng Ruy băng Trắng” và ra quân “Hành trình xe buýt màu cam an toàn” với chủ đề “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em”.
 
Cùng với việc trao đổi, thảo luận, thể hiện cam kết cá nhân tham gia phòng ngừa bạo lực, quấy rối và bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, Ban tổ chức cũng chính thức khai trương tuyến xe buýt màu cam và khu nhà chờ tiêu điểm tại Hàm Nghi (quận 1), nhằm lan tỏa thông điệp về những chuyến xe buýt an toàn, chấm dứt bạo lực giới.
 
Cụ thể, TTQLGTCC đã phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UN Women và Action Aid tổ chức dán thông điệp truyền thông “Vì thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em” trên 26 xe buýt tuyến số 53 (lộ trình đi từ trung tâm thành phố đến Đại học Quốc gia TP.HCM) và trên một số nhà chờ xe buýt, thể hiện thông điệp truyền thông ý nghĩa đến nam giới và cộng đồng xã hội. Mỗi phương tiện xe buýt trên tuyến này cũng được phát sóng radio tuyên truyền.
 
 
Tuyến xe buýt màu cam mang thông điệp: Nói không với bạo lực và quấy rối tình dục - M.Q

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Lê Ân, Phó giám đốc TTQLGTCC cho biết không chỉ tăng cường công tác tuyên truyền như với tuyến xe buýt 53, 2.365 xe buýt trên địa bàn thành phố đều được lắp đặt hệ thống camera, trung bình mỗi xe trang bị từ 3 - 4 camera có chức năng quan sát địa hình, ghi hình ảnh thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên phục vụ nhằm giúp cho đơn vị quản lý kịp thời chấn chỉnh những vấn đề chưa tốt của đội ngũ lái phụ xe, đồng thời góp phần ngăn chặn, xử lý các hành vi trộm cắp, móc túi và quấy rối tình dục với phụ nữ trên xe buýt.
 
Theo khảo sát đầu vào “Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” tại TP.HCM năm 2017, có 18,5% phụ nữ tham gia phỏng vấn cho biết rằng họ đã bị quấy rối tình dục; 11,7% nam giới tham gia phỏng vấn thừa nhận đã có các hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng trong vòng 12 tháng qua. Một nghiên cứu khác của tổ chức Action Aid Việt Nam năm 2014 chỉ ra có tới 87% phụ nữ tại Hà Nội và TP.HCM tham gia phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Chính vì vậy, phòng chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em là vấn đề được các ban ngành và xã hội quan tâm, trong đó, nam giới đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới.
 
Theo: Hà Mai/ thanhnien.vn