Doanh nhân đương thời
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

Đặng Lê Nguyên Vũ

Cổng thông tin kinh tế doanh nhân Việt Nam, Mạng thông tin cộng đồng doanh nhân Việt Nam, Câu Lạc Bộ Doanh Nhân Đương Thời
Tự tin ghi dấu ấn riêng của mình vào sự thay đổi của dân tộc…

Đặng Lê Nguyên Vũ

Chức vụ: Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc
Công ty: Tập đoàn Trung Nguyên
“Tự tin ghi dấu ấn riêng của mình vào sự thay đổi của dân tộc…”

 

 

 

 

 

 

Là thương hiệu có mặt trên thị trường được hơn 17 năm, Trung Nguyên do doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập. Thuộc thế hệ doanh nhân trẻ, Đặng Lê Nguyên Vũ mang trong mình những hoài bão lớn lao về sự phát triển của Trung Nguyên cũng như của cà phê Việt Nam. Theo anh, trong chiến lược xây dựng quốc gia với định hướng phát triển mô hình bền vững, hướng đến một quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh và ảnh hưởng, thanh niên chính là lực lượng nòng cốt, là lớp kế thừa di sản nền kinh tế, là thế hệ tiếp nhận doanh nghiệp và có sứ mạng xây đắp thành công nền kinh tế để đưa đất nước đi lên.

Cảm hứng Trung Đông

Trong hành trình tìm kiếm con đường phát triển kinh doanh và định hướng phát triển cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam, đặt chân đến nhiều đất nước, trải nghiệm qua nhiều điều, Đặng Lê Nguyên Vũ đặc biệt tâm đắc với một thứ: quyển sách Quốc gia khởi nghiệp (The Star-up Nation) của hai tác giả Dan Senor và Saul Singer. Quyển sách đề cập đến nền kinh tế Isarel và quá trình hồi phục thần kỳ gây được nhiều sự chú ý và lọt vào top bán chạy của tờ The New York Times và tạp chí kinh tế nổi tiếng The Wall Street Journal.

Ông tự thắc mắc vì sao một dân tộc như Israel – chỉ với khoảng 8 triệu dân (và 6 triệu kiều bào Do Thái sống ở nước ngoài) lại sản sinh ra vô số các chủ nhân của giải Nobel, khoa học gia lỗi lạc và những nhà chính trị – kỹ nghệ đại tài để kiểm soát các lĩnh vực then chốt của thế giới? Làm thế nào mà một dân tộc hai nghìn năm vong quốc lại có thể phát triển thành một cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới?

Thành công của Israel ngày nay được cho là đúc kết từ tinh thần quyết liệt, dám đương đầu với thách thức cùng sự sáng tạo không ngừng. Những tính cách của dân tộc Israel rất giống với dân tộc Việt Nam. Vậy tại sao dân tộc họ làm được còn dân tộc ta thì không. Người Israel trong tư duy tuy sáng tạo nhưng trong tập thể hành động thống nhất và gắn kết, còn người Việt Nam “chín người mười ý” nên khi hành động sẽ rời rạc – đó là một trong những bài học lớn mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ đúc kết được cho quá trình khởi nghiệp của mình cũng như muốn truyền đạt đến các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước.

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ mang trong mình nhiều tham vọng vươn ra thế giới


Bất ngờ đến từ “chiến dịch miễn phí”

Những ngày đầu khởi nghiệp quả đầy gian nan, thất bại liên tiếp khiến cho việc kinh doanh không khởi sắc nhưng chưa bao giờ ý chí của người thanh niên Đặng Lê Nguyên Vũ lung lay. Hai năm sau ngày thương hiệu cà phê Trung Nguyên được thành lập, năm 1998 một sự kiện “chấn động” xảy ra trong giới kinh doanh cà phê cũng như những người có thói quen uống cà phê tại Sài Gòn.

Đó chính xác là ngày 20/8/1998, Đặng Lê Nguyên Vũ khai trương quán cà phê đầu tiên tại số 587 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận và phục vụ cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Lần đầu tiên dân Sài Gòn có một quán cà phê miễn phí, khách đến uống cà phê rồi truyền tai nhau, tạo thành một sức mạnh marketing khủng khiếp – và không tốn một xu chi phí. Trong 10 ngày đó, quán đông nghịt khách, nhóm thanh niên vui mừng vì cuối cùng họ đã làm được điều mà bấy lâu nay trăn trở: tạo dấu ấn trên thị trường và khách hàng.

Ở thời điểm hiện tại Trung Nguyên đã vươn đến vị trí thương hiệu cà phê được yêu thích nhất Việt Nam và xuất khẩu đến 60 nước trên thế giới. Trong đó có những thị trường rất khó tính như: Mỹ, Nhật, Canada và các nước châu Âu như: Anh, Đức…

Tất cả cho danh hiệu “The No.1 coffee”

Xuất phát điểm chỉ là một xưởng rang xay cà phê thủ công, không đủ vốn liếng để mua nguyên liệu vươn lên vị trí hàng đầu Việt Nam nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn chưa có ý định dừng lại. Mục tiêu hiện tại của ông là đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu số 1 thế giới.

Tháng 2/ 2013, ngành cà phê tại Việt Nam đón nhận một sự kiện đáng chú ý khi Starbucks – một thương hiệu cà phê đình đám trên thế giới mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Phong cách thưởng thức cà phê một cách tinh tế và sành điệu thật sự nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của một bộ phận khách hàng ổn định tại Việt Nam. Tính đến tháng 6/2014 tức khoảng 1 năm sau ngày khai trương cửa hàng đầu tiên Starbucks đã có tổng cộng 7 cửa hàng tại TP.HCM.

Sự xuất hiện của Starbucks tại Việt Nam là một “tiếng chuông” đánh động đến các thương hiệu cà phê trong nước, nhất là Trung Nguyên. Với cương vị là người đứng đầu Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có những phát biểu khá thẳng thắn về thương hiệu danh tiếng này. Không có gì là quá khó hiểu với những lời phát biểu của vị CEO cá tính và tham vọng như ông. “Chúng tôi coi Tập đoàn Starbucks là một đối thủ đầy tiềm năng, nhưng chúng tôi không sợ phải đối mặt với họ. Chúng tôi tập trung làm cho Trung Nguyên trở thành một điển hình của Việt Nam trên thế giới, phản ánh được nền văn hóa của đất nước qua cách thiết kế và cung cách phục vụ”.

Quả thực là vậy, sự xuất hiện của một thương hiệu lớn như Starbucks sẽ thôi thúc các doanh nghiệp cà phê trong nước có những chiến lược, đối sách bảo vệ và duy trì hình ảnh thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm của mình.

Trung Nguyên đặt mục tiêu từ đây đến năm 2015 sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD sánh ngang với các thương hiệu toàn cầu như Nestle và nhất là Starbucks. Với sự thành công của các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên tại Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và Séc, ông Vũ đang triển khai các hợp đồng nhằm tìm kiếm thị phần cho Trung Nguyên ở 15 nước trong đó có: Đức, Canada, Malaysia, Philippines, Úc… dần dần nhắm đến doanh thu 20 tỷ USD cho ngành cà phê Việt Nam trong 15 năm tới.


Phan Thanh (tổng hợp)