Doanh nhân đương thời
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

Về miền Tây nghe câu chuyện lúa mới

“Cùng nông dân ra đồng” và “Cánh đồng mẫu lớn”… là những chương trình mà Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang đang thực hiện với mong muốn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng lúa và chia sẻ nỗi những nỗi vất vả bao đời của người nông dân.

Nhiều năm tâm huyết và gắn bó với người nông dân, hơn ai hết Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) hiểu rằng, ”Cùng nông dân phát triển bền vững” chính là sứ mệnh của công ty. Vì vậy trong suốt 20 năm qua, AGPPS luôn đầu tư nghiên cứu để thực hiện mục tiêu này.

Chia sẻ với doanhnhanduongthoi.com ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám Đốc AGPPS cho rằng, phải cùng nông dân ra đồng mới học tập, sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với bà con nông dân. Từ đó mới biết, hiểu bà con đang cần gì, sản phầm nào áp dụng cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu thiết thực cho bà con.

Ông Bùi Minh Tiến (TGĐ PVCFC) và Ông Huỳnh Văn Thòn (TGĐ AGPPS)

* Được biết chương trình “Cánh đồng mẫu lớn” do AGPPS khởi sướng và thực hiện, ông có thể chia sẻ nguyên nhân cũng như mục đích khi thực hiện chương trình này?

Sau nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi đã mạnh dạn thực hiện kế hoạch chương trình “Cánh đồng mẫu lớn”. Đây là chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính đột phá trong việc trồng lúa cho bà con nông dân. Chương trình tập hợp những nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ vào trong một cánh đồng lớn nhưng không dẫn đến tích tụ đất đai, không ép người nông dân phải rời khỏi mảnh ruộng của nhà mình để trở thành người làm thuê, cấy mướn. Chương trình này cũng giúp nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa đồng bộ, mang lại hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân. Qua hiệu quả bước đầu của mô hình, bà con nông dân rất tin tưởng vào sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, do đó bà con rất đồng tình.

Tham gia chương trình này, bà con được tập huấn chăm sóc cây lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng, trang bị kỹ thuật canh tác theo chương trình 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, nhằm giúp cho việc chăm sóc cây lúa khỏe mạ sung chồi ngay từ đầu vụ, hạn chế các loại dịch hại, giảm chi phí trong sản xuất, đảm bảo tăng năng suất, chất lượng nông sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao”. Việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ gắn với sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; với cách làm trên của AGPPS và bà con nông dân tạo ra được sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giảm chi phí đầu vào, tạo thuận lợi cho nông dân có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Và chỉ có liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” mới mở ra cơ hội cho việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam cạnh tranh với sản phẩm lúa gạo của các nước trên thế giới.

* Từ yếu tố cụ thể  nào mà AGPPS đã quyết định thực hiện chương trình này, thưa ông?

Bắt đầu từ năm 2006, AGPPS đã triển khai chương trình “Cùng nông dân ra đồng” ,“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân… Các chương trình này được xem là cầu nối giữa nông dân và các nhà khoa học. Đây là mô hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo khép kín. Thông qua lực lượng kỹ sư “3 cùng”, nông dân được tiếp cận với những kỹ thuật mới, nâng cao được năng suất, chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập.

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân sẽ lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu trong sản xuất của bà con để chung tay với nhà nước, các nhà khoa học giúp nông dân “trúng mùa, được giá”. Cùng nông dân ra đồng mới học tập kinh nghiệm quí báu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con nông dân. Đồng thời cùng bà con bàn bạc, phân phối lại lợi nhuận đến bà con nông dân thông qua con người và việc làm cụ thể.

Tiếp bước thành công ban đầu của đề án này, tháng 10 năm 2010, AGPPS đã bắt đầu thực hiện “Chuỗi sản xuất lúa gạo theo quy trình bền vững” thông qua mô hình Cánh Đồng Lớn. AGPPS đã xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ lúa tươi với bà con nông dân. Nông dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón với lãi suất 0% suốt vụ, được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và lúa được mua theo giá thị trường. Nếu giá lúa chưa ưng ý, bà con có thể gửi trong kho 30 ngày không tính phí lưu kho và chờ đến khi giá lúa hợp lý để bán. Lần đầu tiên, người nông dân được hướng dẫn ghi chép sổ “Nhật ký đồng ruộng” để hạch toán chi phí sản xuất, đồng thời giúp truy xuất được nguồn gốc, yếu tố then chốt để nâng cao giá trị thương hiệu gạo khi ra thị trường. Những thành công này chính là nguồn cổ vũ lớn để AGPPS tiến hành thực hiện các chương trình phát triển trong thời gian tới.

Về miền Tây nghe câu chuyện lúa mới

Ông Huỳnh Văn Thòn thăm cánh đồng lúa

* Những sản phẩm chủ lực của công ty hiện nay?

Ngoài những sản phẩm chủ yếu là gạo để xuất khẩu và phục vụ người dân, trong thời gian qua AGPPS đã cho ra thị trường thương hiệu gạo an toàn, chất lượng cao với thương hiệu Hạt Ngọc Trời và gạo Vibigaba. Đây là 2 sản phẩm dành riêng cho người bệnh cao huyết áp, tiểu đường. Bên cạnh đó, AGPPS đang bắt tay nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm sau gạo để gia tăng giá trị của hạt gạo Việt Nam.

Gạo Vibigaba là gạo mầm được lên men từ gạo lức nguyên phôi trong điều kiện thích hợp, trong quá trình nẩy mầm của hạt gạo hoạt chất GABA được tạo ra, GABA là từ viết tắt của Gamma Amino Butyric Acid. Gạo mầm Vibigaba có chỉ số đường huyết thấp phù hợp để xây dựng chế độ ăn cho người đái tháo đường.

Đặc biệt, nhờ giàu chất GABA nên gạo mầm Vibigaba có nhiều tác dụng như Giúp ổn định đường huyết của người bệnh tiểu đường, hạ mỡ máu và ngừa xơ vữa mạch máu, làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện chức năng não, giảm triệu chứng lo lắng và chứng mất ngủ…

* Ngoài các sản phẩm trên, AGPPS đã có những kế hoạch phát triền như thế nào để hỗ trợ cho người dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nông dân cả nước?

Trong chiến lược phát triển của mình AGPPS luôn hoạt động với triết lý kinh doanh “Phân phối và phân phối lại lợi nhuận cho nông dân một cách hợp lý và đạo lý” và định hướng chiến lược “Tham gia toàn bộ chuỗi sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp.Chính vì vậy những sản phẩm mà công ty mang lại cho bà con nông dân chính là tâm huyết, trách nhiệm của doanh nghiêp với ngành lương thực Việt Nam, góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta lên tầm cao mới.

Mục tiêu mà công ty hướng tới chính là phát triển mô hình sản xuất rau an toàn cho người dân theo khoa học công nghệ, thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân, tăng giá trị dinh dưỡng và giảm dư lượng thuốc trong rau, quả nhằm bảo vệ an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, AGPPS sẽ thực hiện nhiều chương trình giúp người dân sản xuất qui mô lớn hơn, từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm có giá cả cạnh tranh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

"Tiền thân là Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang được thành lập năm 1993 và được cổ phần hóa vào tháng 9 năm 2004. Từ một đơn vị kinh doanh nhỏ chỉ với 23 người và vỏn vẹn 750 triệu đồng tiền vốn, đến nay, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã trở thành nhà sản xuất, phân phối dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động trong nhiều ngành nghề: Thuốc bảo vệ thực vật, Giống cây trồng, Bao bì giấy, Du lịch, chế biến gạo xuất khẩu với đội ngũ nhân viên trên 3.000".