Doanh nhân đương thời
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

  • Doanh nhân
  • Bà Mai Kiều Liên và giấc mơ sữa Việt

Bà Mai Kiều Liên và giấc mơ sữa Việt

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Pháp và tốt nghiệp cử nhân ngành kỹ sư công nghệ chế biến sữa 1976 tại Moscow – Liên Xô. Bằng chính những khát khao, nhiệt huyết cho công việc, qua nhiều năm bà đã trở thành người đứng đầu của Vinamilk.

Tiểu sử của Bà Mai Kiều Liên 

 

>>> Nikkei vinh danh CEO Vinamilk Mai Kiều Liên

 

Mai Thị Kiều Liên sinh ngày 1-9-1953 tại Thành phố Paris, nước Pháp nhưng bà sống chủ yếu ở Việt Nam. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp đại học, bà về công ty Sữa – Cà phê miền Nam làm kỹ sư trong khối sản xuất sữa đặc và sữa chua. Sau đó, bà chuyển về làm tại Nhà máy sữa Thống Nhất đến năm 1983 thì bà đi học quản trị kinh tế tại ĐH Kinh tế Leningrad - Liên Xô. 

 

Vào năm 1984, bà tốt nghiệp và quay về nước làm Phó tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Cuối năm 1992 bà trở thành TGĐ Công ty Cổ Phần sữa Việt Nam Vinamilk. Sau đó bà trở thành thành viên kiêm chủ tịch Chủ tịch hội đồng quản trị của Vinamilk từ 11/2003 đến tháng 7/2015. 

 

 

Bằng khả năng và tầm nhìn của mình bà đã đưa ra rất nhiều quyết định đúng đắn, trong đó có việc tái cấu trúc công ty, đầu tư vùng nguyên liệu sớm để đạt được mục tiêu đưa Vinamilk lọt top 50 Doanh Nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới.  

 

Với những đóng góp của mình cho ngành sữa Việt Nam, bà đã nhận được Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001), Anh hùng Lao động Thời Kỳ Đổi Mới (năm 2005), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006) và là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII. Đặc biệt vào tháng 2/2012 bà đứng thứ  25 trong số 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á  do Forbes bình chọn. 

 

Bà Mai Kiều Liên và Vinamilk 

 

Sau gần 20 năm giữ chức vụ cao nhất, bà Mai Kiều Liên gặt hái nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Từ thực tiễn của tình hình đất nước, bà nhận thấy ngành sữa Việt Nam chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sữa trong. Trong khi đây lại là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của nhà máy nhưng lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chính vì điều này bà đã chủ trương tìm cách phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam. 

 

 

Để đảm bảo chất lượng của sản phẩm tại Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới, bà đã sử dụng phương thức chuyển giao con giống, kỹ thuật chăn nuôi. Song song với đó là tiến hành thu mua sữa tươi của nông dân trong nước với giá cao để kích thích chăn nuôi trong nước.  

 

Với mong ước tạo ra nguồn dinh dưỡng quý giá cho thế hệ trẻ và khát vọng đưa sữa Việt đi khắp 5 châu đã thôi thúc bà hành động. Vinamilk đã nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa phục vụ thị trường nội địa giàu tiềm năng, bởi lượng tiêu thụ ở Việt Nam lúc bấy giờ thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Tới lúc này giấc mơ sữa Việt đã dần trở thành hiện thực và Vinamilk đã góp công rất lớn vào sự phát triển thể lực, trí tuệ, tầm vóc cho thế hệ trẻ Việt Nam. Đó là sứ mệnh, động lực tinh thần để bà và tất cả thế hệ công nhân viên dồn tâm trí và sức lực xây dựng ngành sữa Việt Nam. 

 

Khi đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước, bà tiếp tục xây dựng phương thức xuất khẩu sữa ra thị trường nước ngoài. Hợp đồng đầu tiên của Vinamilk là xuất khẩu sang Iraq và đã nhanh chóng được người dân tại đây chấp nhận. Nhưng để có được những hợp đồng này bà phải đối mặt với hiểm nguy khi mà vào năm 1997 tại Iraq đang còn là vùng chiến sự khốc liệt. Sự tích cực trong tìm kiếm thị trường của bà đã giúp công ty nhanh chóng lọt vào danh sách những công ty năng động nhất châu Á, và trở thành thương hiệu hàng đầu tại châu Á hiện nay. 

 

 

Với cương vị là người đứng đầu và xây dựng được vị thế như ngày hôm nay của Vinamilk, Vinamilk cũng từng đứng trước thời khắc lựa chọn "bán mình" hay "giữ mình" cho đối tác nước ngoài khi mà cuối những năm 90, hình thức mua bán sáp nhập tại Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết. Nếu chận nhận lời đề nghị “bán mình” cho các đối tác nước ngoài thì bà và đội ngũ lãnh đạo sẽ nhận được những ưu đãi rất lớn về lương thưởng nhưng thu nhập của công nhân lại không tốt. Chính vì vậy bà đã chọn cách khó hơn, vất vả hơn nhiều khi quyết định trở thành đối thủ của họ để tất cả công nhân viên ngành sữa cùng quyết tâm, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. 

 

Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển của Vinamilk, giấc mơ sữa Việt của bà đã gần như đã hoàn thành. Vinamilk đã là minh chứng cho sự phát triển năng động và nghị lực vượt khó, luôn thể hiện ý chí cầu tiến của con người và doanh nghiệpViệt Nam.

 

TH