Thất bại để thành công
Trong thành công có cả sự thất bại. Những người luôn “chơi an toàn” sẽ hiếm khi thành công. Trong kinh doanh để thành công đôi khi cần phải biết chấp nhận rủi ro của thất bại, nếu bạn lo sợ rủi ro thì đó là rào cản lớn nhất để bạn thành công.
Nhiều người chọn phương án “an toàn” chính vì thế họ không thất bại và cũng không thành công. Bởi lẽ, khi đảm bảo an toàn, họ sẽ không bao giờ thật sự trưởng thành cũng như không bao giờ thật sự thất bại. Một môi trường thoải mái an toàn với họ là “quá đủ”. Nhưng “quá đủ” sẽ không bao giờ là đủ nếu bạn muốn trưởng thành và trở thành một nhà lãnh đạo thành công. Thất bại là một phần của thành công. Hãy nêu ra một người chưa bao giờ thất bại và đó chính là người thất bại lớn nhất.
Năm 1927, Babe Ruth, khi đó còn đang chơi cho đội New York Yankees, đã ghi được 60 điểm và lập luôn kỷ lục cho giải bóng chày Mỹ. Kỉ lục đó đã được giữ vững trong ba thập kỷ. Nhưng điều thú vị hơn là cùng năm đó ông đã có 89 cú chạy hỏng.
Có một bài học quan trọng mà chúng ta có thể học được từ những con số trên vì nó liên quan đến những gì chúng ta đang bàn về sự thành công của lãnh đạo. Đó là một ví dụ rất tốt về việc để thành công bạn phải biết chấp nhận thử thách và thất bại đó có thể là một phần không thể thiếu được của thành công. Nó cho thấy rằng thất bại không phải là nguy hiểm chết người và thành công không phải là mãi mãi. Một người không nên quá sợ hãi những thất bại trong quá khứ và cũng đừng dựa mãi vào các thành công trước đây. Đây là một quá trình phát triển liên tục.
Khi Thomas Edison đang cố phát minh ra bóng đèn, ông đã phải trải qua 400 thí nghiệm thất bại. Một phóng viên đã hỏi ông cảm thấy thế nào sau ngần ấy lần thất bại. Câu trả lời mà anh phóng viên nhận được là “Tôi đã không thất bại. Tôi đã biết rằng có 400 cách không làm được bóng đèn”. Cho dù liên tục thất bại nhưng Edison không ngừng bước và cả thế giới đã được hưởng lợi từ thành công của ông.
Babe Ruth từng nếm nhiều thất bại trước khi thành công
Dũng cảm không phải là không cảm thấy sợ hãi khi phải trải qua thử thách. Lòng dũng cảm thật sự là cảm thấy sợ, nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm và biết cách học từ những thất bại. Có rất nhiều ví dụ trong lịch sử về những người dám đương đầu với nỗi sợ hãi của họ, học được từ lỗi lầm và tiếp tục dám chấp nhận rủi ro để đi đến thành công.
Một lãnh đạo thành công là người thà mất tiền và biết được lý do tại sao còn hơn là kiếm được tiền mà không biết vì sao lại kiếm được. Đó là vì ông ta biết được giá trị của việc chấp nhân rủi ro, phạm sai lầm và học được từ thất bại.
Nếu bạn muốn trở thành nhà lãnh đạo thật sự, bạn phải biết không sợ thất bại, chấp nhận rủi ro và tiến về phía trước. Nếu thất bại, hãy đảm bảo rằng bạn biết lý do vì sao thất bại và tiếp tục tiến bước với các giá trị mới của mình. Sử dụng mọi thất bại như là một bước tiến đến thành công. Đó là công thức thật sự để trở thành một nhà lãnh đạo thành công.
Hãy thành công 100%
Khi bạn có 99% của thành công, nghĩa là bạn vẫn còn 1% của thất bại. Vì vậy, hãy cố gắng hoàn thành 1% còn lại để biết bạn đã thành công.
Trong công việc cam kết thực hiện đúng 100% cũng rất quan trọng, nếu bạn chỉ đạt 99% thì 1% còn lại cò thể khiến bạn thất bại. Hãy cùng suy ngẫm xem những tình huống có thể xảy ra nếu mọi người cam kết thực hiện đúng 99,9% mọi việc:
Mỗi tháng sẽ có một giờ uống nước không đảm bảo vệ sinh.
Có hai chuyến bay hạ cánh không an toàn tại sân bay quốc tế O’Hare.
Mỗi giờ có 16.000 lá thư bị thất lạc.
20.000 đơn thuốc bị kê sai mỗi năm.
500 ca phẫu thuật bị hỏng mỗi tuần.
Mỗi giờ, có tới 22.000 tấm séc bị thanh toán nhầm tài khoản.
Tim bạn sẽ đạp sai 32.000 nhịp sau mỗi năm.
Bạn có thể thấy con số 100% lại quan trọng đến thế rồi chứ? Hãy thử suy ngẫm xem cuộc sống và thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn và mọi người đều thực hiện đúng 100% những cam kết của mình.
Đ.Thuận (tổng hợp)