Doanh nhân đương thời
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

  • Thị trường
  • Sếp Trường Hải đề xuất 'lấy ô tô làm kinh tế chủ lực miền Trung'

Sếp Trường Hải đề xuất 'lấy ô tô làm kinh tế chủ lực miền Trung'

Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, để vùng duyên hải miền Trung trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước thì nên xác định ngành công nghiệp ô tô là ngành kinh tế chủ lực.
Theo đó, Nhà nước cần phải xây dựng cơ chế chính sách để phát triển ngành ô tô và các ngành công nghiệp hỗ trợ, điển hình là các chính sách về miễn thuế thu nhập, xây dựng nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất...

 

"Hiến kế"

 

Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15.8, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã đăng đàn "hiến kế" xây dựng vùng duyên hải miền Trung trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.

 

Bắt nguồn từ hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và quá trình lãnh đạo Thaco, ông Dương cho rằng, ngành công nghiệp ô tô tại tỉnh Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung đóng một vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển công nghiệp cơ khí của tỉnh, vùng và cả nước. 

 

"Ngành công nghiệp ôtô còn được nhà nước chọn là ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực của đất nước, do vậy, chọn ngành này làm ngành chủ lực cho vùng kinh tế động lực miền Trung là rất phù hợp. Vì ngành công nghiệp ô tô là tổ hợp của rất nhiều ngành quan trọng khác như: cơ khí, vật liệu, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, hóa chất… Kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi ngành này phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành khác" - ông Dương cho biết.

 

 

 

Ông Trần Bá Dương -
Chủ tịch Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) 

 

Muốn xây dựng thành công ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành chủ lực cho vùng kinh tế động lực miền Trung thì ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò vô cùng quan trọng. "Một trong những đề án mà Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang làm đó là đề án xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí ôtô" - lãnh đạo Thaco nói.

 

Xuất phát từ quan điểm đó, ông Dương cho rằng, cần thiết phải xây dựng một cơ chế chính sách phù hợp để phát triển ngành ôtô tại vùng kinh tế miền Trung. Bởi lẽ, ngành công nghiệp ôtô chính là một trong sáu ngành công nghiệp mũi nhọn và chủ lực của quốc gia cần được duy trì và phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường theo chiến lược và quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

 

"Đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần được xây dựng khu công nghiệp cơ khí ô tô, một trong ba khu công nghiệp trọng điểm cơ khí ôtô của cả nước. Khu công nghiệp này nên phát triển từ Khu phức hợp cơ khí ô tô của Công ty Trường Hải. 

 

Ngoài ra, cũng cần tạo ra cơ chế chính sách để phát triển khu công nghiệp này tập trung vào các loại xe nông dụng nhỏ đa chức năng đáp ứng nhu cầu ở nông thôn và miền núi, các xe khách tầm trung, tầm ngắn cho các địa phương và đô thị, xe chuyên dùng có nhu cầu cao ở thị trường trong nước. Đặc biệt đối với xe con dưới 9 chỗ, cần có chính sách đặc thù để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và bảo hộ sản xuất lắp ráp trong nước" - Chủ tịch Thaco đề xuất.

 

Miễn thuế, hỗ trợ lãi suất, xây dựng vốn... cho công nghiệp hỗ trợ

 

Song song với những đề xuất để thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô, ông Trần Bá Dương cũng đưa ra một loạt các đề xuất khác cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, lãnh đạo của Thaco cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành phải được xếp vào danh mục thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, vì nó là nền tảng của ngành công nghiệp cơ khí theo hướng tiên tiến, hiện đại, cho nên cần có chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các cụm tổ hợp công nghiệp hỗ trợ.

 

"Tôi cho rằng cần phải miễn thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi có thu nhập chịu thuế trong 5 năm, mức thuế là 5% trong 10 năm tiếp theo và 10% trong 5 năm kế tiếp. Cùng với đó, phải xây dựng Quỹ tài chính phát triển đầu tư công nghiệp hỗ trợ từ các nguồn vốn như ODA hoặc các nguồn thu phí khác. Nhà nước cũng cần hỗ trợ chính sách cấp bù lãi suất đối với các khoản vay đầu tư đến 3% hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu tiên" - ông Dương nói.

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch công ty Trường Hải cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí phát triển khoa học công nghệ phù hợp với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, như: mua bản quyền công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm, thiết bị phòng thí nghiệm, thử nghiệm, sản xuất thử... Xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển về công nghệ hỗ trợ cơ khí và ô tô.

 

Hay như, hỗ trợ 100% ngân sách đào tạo kỹ sư chuyên ngành cho các dự án công nghiệp hỗ trợ ôtô theo các chương trình đào tạo ở nước ngoài bằng vốn ngân sách của Nhà nước. Hỗ trợ 100% ngân sách cho đào tạo người lao động của cụm tổ hợp công nghiệp hỗ trợ với sự phát triển Trường đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn khu vực ASEAN.

 

"Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng và kinh doanh thành công tại Khu kinh tế Mở Chu Lai, chúng tôi đã đưa ra những kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp ôtô. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị phát triển ngành công nghiệp ô tô của Công ty Trường Hải thành ngành kinh tế động lực của Vùng có tác dụng lan tỏa ra các ngành khác. 

 

Chúng tôi cũng đề xuất những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù để trong một thời gian ngắn (2015 - 2018), chúng ta có thể xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ôtô đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và hội nhập tốt vào AFTA và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới" - Chủ tịch Công ty Trường Hải kết luận.

 

 

 

Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) hiện chiếm hơn 31% thị phần trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). 

 

Thaco cũng là công ty đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sản xuất đầy đủ 3 dòng xe: xe tải, xe bus và xe du lịch với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất: đạt 40 - 46% đối với xe bus, 30 - 35% đối với xe tải và 18 - 22% đối với xe du lịch. 

 

Sau hơn 10 năm vừa hoạt động sản xuất, vừa phát triển xây dựng, với tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, đã hình thành một Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải trên diện tích gần 600 hecta với hơn 20 công ty, nhà máy, trong đó có 4 nhà máy lắp ráp ôtô, 8 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng cùng các đơn vị hỗ trợ bao gồm trường Cao đẳng nghề, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các công ty xây dựng, đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp và hệ thống giao nhận vận chuyển (Logistics): vận tải biển, cảng biển, vận tải đường bộ…

 

6 tháng đầu năm 2014, Thaco đạt gần 40.000 xe và đứng đầu thị trường Việt Nam

 

 

 

Duyên Duyên( motthegioi.vn)