Doanh nhân đương thời
Tinh hoa của thời đại
NEWS  |  TAGS

123 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM

  • Thị trường
  • Biểu tượng niềm tin về sự thịnh vượng của kinh tế Việt Nam tái xuất hiện

Biểu tượng niềm tin về sự thịnh vượng của kinh tế Việt Nam tái xuất hiện

Hãng tin Mỹ Bloomberg nhận định khác với các quỹ đầu tư khác, động thái của Warburg Pincus mang ý nghĩa niềm tin về sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

 

Ảnh chỉ mang tính minh họa

 

Techcombank mới đây công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD từ Warburg Pincus, một công ty quản lý quỹ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân thế giới chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Khác với các quỹ đầu tư khác, Bloomberg cho rằng sự xuất hiện và đầu tư của Warburg Pincus ở Việt Nam luôn gắn liền với ý nghĩa biểu tượng niềm tin về sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Warburg Pincus bắt đầu đầu tư vào Đông Nam Á năm 2013 và chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên. Đó cũng là thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình vật lộn để hồi phục sau những biến động dữ dội giai đoạn 2008-2012. Cuộc khủng hoảng kinh tế Việt Nam khi đó bắt nguồn từ sự sụp đổ của tập đoàn đóng tàu quốc doanh Vinashin với khoản nợ chiếm tới 4,5% GDP quốc gia, trong khi khả năng thanh toán thì mờ mịt. Một số quỹ đầu tư và hãng đánh giá tín dụng trên thế giới đã không xếp Việt Nam vào danh sách những thị trường ổn định và tiềm năng để đầu tư thời điểm đó.

Tuy nhiên, Warburg Pincus đã làm ngược lại khi là một trong số ít những quỹ đầu tư đặt niềm tin vào sự hồi phục và thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Thương vụ đầu tư đầu tiên của Warburg là mua 20% cổ phần của trung tâm thương mại Vincom năm 2013. Tiếp đó là các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất mì ăn liền và nước mắm của Masan Consumer.

Niềm tin của Warburg nhanh chóng được đền đáp khi số cổ phần mà quỹ sở hữu ở Vincom đã tăng lên mức 709 triệu USD. Điều tương tự cũng diễn ra với các khoản đầu tư ở Masan. Chính mối liên hệ với Vincom và Masan đã dẫn đến việc Warburg Pincus đầu tư 370 triệu USD vào Techcombank ở thời điểm hiện tại, khi Masan là một cổ đông lớn ở ngân hàng này.

Theo Bloomberg, Techcombank hiện là ngân hàng lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, xét về tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế năm 2017. Ông Saurabh Agarwal - Tổng giám đốc điều hành Warburg Pincus nhận định tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam vẫn thấp nên tiềm năng tăng trưởng mạnh còn nhiều.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng có sự khác biệt rất lớn so với năm 2013, khi Warburg Pincus bắt đầu đặt chân đến. Kinh tế Việt Nam không còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô, gạo, cà phê hay hàng may mặc. Tập đoàn điện tử Samsung đã đưa Việt Nam vào chuỗi cung cấp smartphone toàn cầu và mục tiêu của Samsung là có 50 nhà cung cấp linh kiện tại đây năm 2020. Dù việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP sẽ có ảnh hưởng đến tiềm năng của Việt Nam chút ít, nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tăng khi CPTPP vừa được thông qua ở Chile.

Dân số trẻ cũng đang giúp Việt Nam trở thành một đối thủ mạnh so với Thái Lan trong việc giành được một phần trong chuỗi cung ứng ô tô của các tập đoàn Nhật Bản. Ngoài ra, các khoản đầu tư khổng lồ khác, như gần 5 tỉ USD của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi vào Sabeco, cũng phản ánh niềm tin rằng tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ nhanh hơn các quốc gia trong khu vực như Indonesia hay Philippines.

Thậm chí việc Trung Quốc gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ với Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đem lại lợi thế cho kinh tế Việt Nam, khi các quỹ đầu tư và công ty phương Tây coi sự kiện này đồng nghĩa với việc có thể đem lại rủi ro lớn hơn ở thị trường Trung Quốc. Sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư mới cho những người rời khỏi Trung Quốc.

Và gói đầu tư của Warburg Pincus vào Techcombank như đã nêu ở trên cũng được đánh giá là mang tính dự báo cho những cải cách mới trong hệ thống tài chính ngân hàng ở Việt Nam. Giới hạn sở hữu cá nhân tại các ngân hàng Việt Nam mới chỉ là 15% và tổng vốn đầu tư nước ngoài là dưới 30%. Nếu Việt Nam có thể nới rộng tỷ lệ sở hữu này trong hệ thống ngân hàng thì đó sẽ là một bước tiến lớn, không chỉ với hệ thống tài chính mà còn với cả nền kinh tế.

Có thể nói khi các hành động cải cách theo hướng thị trường được đẩy mạnh hơn, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn, thực chất hơn và Warburg Pincus một lần nữa có thể xem là người đi đầu trong việc đặt niềm tin lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam.

Nhàn Đàm/MTG (theo Bloomberg)