123 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM
Gần 2.100 loại mỹ phẩm nhập khẩu và 143 sản phẩm trong nước chứa 5 loại dẫn chất paraben (gồm isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben) có nguy cơ với sức khỏe người phải được thu hồi và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 15.8 theo quyết định của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên ngày 14.8, vẫn còn khá nhiều nơi bày bán các sản phẩm này.
Bối rối bởi paraben
Tại một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm có tiếng ở quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, nhân viên cửa hàng khẳng định “toàn bộ sản phẩm thuộc diện phải thu hồi đã được cửa hàng trả lại hết”. Dù vậy, khi khách hàng vô tình xem một sản phẩm dưỡng da có chứa isopropylparaben (1 trong 5 chất phải thu hồi) thì nhân viên vội vàng lấp liếm “chắc do hàng lẫn đâu đó nên không gom hết”, đồng thời trấn an: “Việc thu hồi mỹ phẩm chứa paraben chỉ có ở Việt Nam, các nước châu Âu người ta vẫn dùng bình thường!”.
Mỹ phẩm chứa 1 trong 5 chất cấm vẫn được bày bán tại một cửa hàng ở Hà Nội. Dòng chữ trong ảnh dưới là thành phần cấm, buộc phải thu hồi sản phẩm |
Còn tại một số siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội - nơi có nhiều gian hàng của các hãng mỹ phẩm tên tuổi như: Christian Dior, Olay, Elizabeth Arden, The Face Shop, Kose, Lancôme Paris, Vichy, Olay…, nhiều nhân viên bán hàng cho biết không nhập các sản phẩm thuộc diện thu hồi hoặc đã hoàn tất việc thu hồi sản phẩm có chứa paraben. Khi khách băn khoăn về các sản phẩm vì không thể kiểm tra được hết thành phần trên nhãn thì các nhân viên cho rằng thành phần này không độc hại như cảnh báo!
Theo báo Người Lao Động, tại TP.HCM, ghi nhận ở một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), khách hàng khi mua mỹ phẩm đều xem rất kỹ thành phần ghi trên nhãn. Mới xem qua, nhiều người giật mình khi thấy nước rửa mặt Bioré men, kem Thorakao, mỹ phẩm Cô Lan và một số mỹ phẩm nhập khẩu từ Úc trên thành phần có đuôi “paraben”. Vậy nhưng, nhân viên cửa hàng cho hay đó là các loại paraben vẫn được phép sử dụng.
Ông Huỳnh Xuân Hiền, Trưởng bộ phận Kiểm soát chất lượng sản phẩm siêu thị Lotte Mart, cho biết qua rà soát, ghi nhận có 17 mặt hàng thuộc diện phải thu hồi và đang trong giai đoạn trả lại nhà cung cấp. Những mặt hàng này khá đa dạng chủng loại như muối tắm, kem chống nắng, kem trang điểm, dầu xả, dầu gội, sữa dưỡng thể, dưỡng da trẻ sơ sinh… của các nhà sản xuất như Công ty Trí Trung, Silk, L’Oreal, L’Evinia, Henkel, DKSH, Việt Liên. Việc thu hồi gặp khó khăn nhất là việc danh sách cơ quan nhà nước cung cấp có tên không trùng với tên các sản phẩm đang kinh doanh tại siêu thị. Do đó, siêu thị phải tiến hành rà soát từng sản phẩm nên rất mất thời gian.
Chủ tịch HĐQT Công ty Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao), ông Huỳnh Kỳ Trân cho biết rất lo ngại việc bị QLTT, thanh tra y tế phát hiện còn sản phẩm đang lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng thương hiệu nên đã tích cực thu hồi nhưng chắc chắn không thể được 100%, nhất là ở khu vực nông thôn. “Lo là niềm tin của người tiêu dùng với Thorakao bị ảnh hưởng dù đợt này có những thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu cũng có sản phẩm bị thu hồi. Tôi được biết hiện nay, châu Âu, Nhật Bản vẫn chưa cấm các chất trên, còn trong khu vực ASEAN thì Thái Lan, Philippines vẫn được phép sử dụng đến hết năm 2015 vì sự ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng chỉ mới ở mức nghi ngờ” - ông Trân đặt vấn đề và mong muốn được gia hạn thêm thời gian để đỡ tổn thất cho nhà sản xuất.
Chờ… báo cáo
Đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang tổng hợp báo cáo của các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Theo Cục Quản lý dược, việc thu hồi mỹ phẩm có chứa 5 dẫn chất paraben do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường thực hiện. Đơn vị này có trách nhiệm gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng và tiến hành thu hồi sản phẩm. Mặt khác, công văn thông báo thu hồi đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược, người sử dụng và phân phối các sản phẩm trên có thể liên hệ với người cung cấp để phối hợp thực hiện việc thu hồi sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán mỹ phẩm phải thực hiện việc thu hồi triệt để nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như uy tín và quyền lợi kinh doanh của mình.
Theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tất cả đối tượng buôn bán mỹ phẩm có chất cấm sẽ bị xử lý, xử phạt rất nặng nếu cố tình vi phạm quy định về thu hồi mỹ phẩm. Sau khi thu hồi, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải tiến hành tiêu hủy hoặc tái xuất.
“Tác hại của các dẫn chất paraben nghi ngờ gây ung thư vú chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, Ủy ban Mỹ phẩm Cộng đồng châu Âu và Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN đều khuyến cáo ngưng sử dụng để thay thế các chất an toàn hơn. Vì Việt Nam nằm trong cộng đồng ASEAN nên Cục Quản lý dược đã cập nhật đưa 5 dẫn chất paraben vào danh mục các chất cấm dùng trong mỹ phẩm và cục sẽ tổ chức kiểm tra” - ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, nhấn mạnh.
Theo Người Lao Động