UBND tỉnh Hải Dương dự kiến toà nhà trung tâm hành chính của tỉnh sẽ cao không quá 20 tầng
- Ảnh minh hoạ: http://www.katowicethecity.com/
Ngày 14.11, một bài viết trên VTC News cho biết UBND tỉnh Hải Dương đang xin ý kiến Thủ tướng về dự án khu hành chính tỉnh rộng 19,15ha tại khu đô thị mới phía Đông TP Hải Dương, tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng; cao không quá 20 tầng, trong đó ngân sách tỉnh chi khoảng 1.000 tỉ đồng...
Khu hành chính này sẽ là nơi làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền thuộc tỉnh Hải Dương, bao gồm 5 khu: khu trụ sở của HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; khu làm việc khối các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; trung tâm hội nghị…
Đại diện tinh Hải Dương lý giải hiện nay nhiều công trình thuộc khối hành chính của tỉnh đã xuống cấp, có công trình có từ thời Pháp, đến nay cũng hơn trăm năm, so với các tỉnh khác thì quá sập xệ.
Về vụ việc trên, đa phần ý kiến dư luận cho rằng việc xây khu hành chính tập trung của tỉnh Hải Dương lúc này là chưa cần thiết bởi các công trình đang sử dụng vẫn kiên cố.
Nhiều ý kiến nói có thể dẫn đến lãng phí nếu các trụ sở cũ không được sử dụng đúng mục đích, nhất là trong thời buổi kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Nhiều địa phương trong tỉnh hiện vẫn còn không ít hộ nghèo, cận nghèo.
Và họ nói, việc xây khu hành chính tập trung của tỉnh Hải Dương này chỉ muốn "chứng tỏ đẳng cấp".
Cùng ngày, Infonet cũng đăng một bài phỏng vấn đại biểu quốc hội Lê Như Tiến với nội dung liên quan.
Trong bối cảnh nền kinh tế, ngân sách đang rất khó khăn như hiện nay lại liên tục xuất hiện những công trình hàng ngàn tỉ đồng, mới đây Hải Dương cũng vừa xin xây dựng Trung tâm hành chính lên đến hơn 2.000 tỉ đồng. Quan điểm của ông như thế nào?
Đại biểu Lê Như Tiến: Tôi được biết nhiều địa phương xây dựng trụ sở một cách rất hoành tráng với số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Những dự án đó tập trung vào những công trình công, khu vực công. Mà lĩnh vực này như chúng ta biết, tổ chức minh bạch quốc tế có đánh giá chúng ta còn rất yếu, chỉ được 31/100 điểm.
Thực tế cho thấy, không phải chỉ có trụ sở công đâu, mà các công trình công khác cũng rất nhiều, như sân vận động, nhà văn hóa, bảo tàng hàng ngàn tỉ… nhưng lại để không, hoang hóa, xuống cấp, rồi cho thuê những dịch vụ sai mục đích, phi văn hóa. Thậm chí có công trình vừa làm xong đã xuống cấp, hay có công trình vừa khai sinh đã khai tử…
Nói đến đầu tư công nghĩa là lấy từ tiền thuế đóng góp của nhân dân thì phải được sử dụng và đầu tư cho thực sự hiệu quả. Ngược lại nếu sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích thì sẽ thành có lỗi với dân.
Việc “trụ sở như cung điện” mọc lên, gây bức xúc lớn phải chăng vì cơ chế xin cho quá dễ dàng hay còn xuất phát từ lý do nào, thưa ông?
Tôi đã nói nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng chúng ta đang có cái bệnh, gọi là “bệnh hoành tráng”, “con gà tức nhau tiếng gáy”, giống như nhà bên cạnh 4 tầng thì nhà mình phải xây 5 tầng…
Địa phương này, tỉnh này, huyện này có sân vận động lớn, thì địa phương kia cũng phải làm sân vận động lớn, mặc dù người ta chưa hề tính toán cái lưu lượng dân số được hưởng thụ từ đó là bao nhiêu.
Nếu chúng ta cắt bớt đi được những khoản chi đầu tư công đó thì hoàn toàn có được tiền để làm những công việc khác hữu ích hơn, tập trung vào những vấn đề bức bách hơn, như giảm tải y tế chẳng hạn, rồi đầu tư cho đồng bào nghèo vùng sâu vùng sa, hoặc cũng góp phần vào việc tăng lương cho người lao động.
Phía địa phương và các cơ quan trung ương cần phải làm gì trước những dự án nghìn tỷ đã xây dựng và đặc biệt là những dự án đang xin chủ trương như ở tỉnh Hải Dương hiện nay?
Trước hết, đối với những dự án đã làm rồi thì phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, nhất là từ cơ quan chủ quản quyết định đầu tư.
Thứ hai, những công trình nào đang là dự án thì phải kiểm tra, rà soát lại xem công năng sử dụng thế nào, dân số bao nhiêu, nếu xây dựng như thế có quá lãng phí không khi mà người thụ hưởng những công trình đó không đạt được đến mức như chúng ta đã dự báo.
Lĩnh vực này nên có sự kiểm tra, rà soát rát kỹ từ chủ đầu tư, cơ quan quyết định đầu tư, ủy ban nhân dân các cấp, rồi ngay cả Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính - hai cơ quan trung ương cũng phải vào cuộc, có ý kiến tham mưu cho Chính phủ.