Doanh nhân đương thời
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

Món lẩu vòng quanh châu Á

Lẩu là "món tủ" mùa đông của nhiều người. Nếu người Việt tự hào bởi các món lẩu nóng hổi, thơm ngon, đậm đà phong vị như lẩu riêu cua, lẩu mắm thì ở nhiều quốc gia châu Á khác, hương vị lẩu cũng rất độc đáo.

Đặc trưng của các món lẩu luôn là sự nóng sốt của tất cả các nguyên liệu. Vì vậy, món ăn thích hợp để thưởng thức vào mùa đông hơn cả.

Ít ai biết, Trung Quốc chính là quê hương của các món lẩu. Lẩu là từ gốc Quảng Đông, nghĩa là "bếp lò", ngụ ý nói về món ăn sử dụng hơi nóng liên tục như bếp lò. Người Mông Cổ là những người đầu tiên nghĩ ra cách chế biến lẩu, món ăn ngày nay đã trở nên phổ biến tại nhiều nước Đông Á.

Vậy lẩu tại Trung Quốc có những đặc trưng như thế nào?

1. Lẩu Trung Quốc

Về cơ bản, tất cả các khu vực dân cư tại Trung Quốc đều có một phiên bản lẩu khác nhau. Phần chính của các món lẩu luôn là nước dùng luôn được giữ nhiệt độ sôi bằng bếp hoặc các dụng cụ cấp nhiệt khác, phần thịt và rau nhúng kèm. Tuy nhiên, tại mỗi vùng miền, lẩu lại có hương vị đặc trưng riêng.


Lẩu kiểu Trùng Khánh



Lẩu kiểu Trùng Khánh phổ biến ở vùng Tây Nam Trung Hoa. Lẩu kiểu Trùng Khánh có nước dùng ninh từ xương bò hoặc xương gà, mỡ bò, gia vị là rất nhiều dầu ớt và hạt tiêu Tứ Xuyên nên nước dùng thường rất cay. Điểm nhấn quan trọng trong món lẩu Trùng Khánh là nước chấm, thành phần bao gồm dầu mè, giấm, nước dùng từ nồi lẩu, tỏi, rau mùi, dầu hào, nước tương, bột ngọt và muối pha chế theo tỉ lệ thích hợp.


Lẩu kiểu Mông Cổ



Lẩu kiểu Mông Cổ phổ biến ở vùng phía bắc Mông Cổ. Nước dùng được ninh từ xương cừu, thêm rất nhiều rau và gia vị như tỏi, cần tây, muối, hạt tiêu, ớt xanh, hành tây thái lát. Loại thịt để ăn lẩu cũng phổ biến hơn cả là thịt cừu. Người Mông Cổ ăn lẩu vào mùa đông, tại một số nhà hàng, người ta còn dùng thịt chó để thay thế thịt cừu.

Lẩu kiểu Quảng Đông



Lẩu kiểu Quảng Đông phổ biến tại phía Đông Nam Trung Quốc. Loại lẩu này không dùng nước dùng từ xương ninh mà thay bằng cháo. Nguyên liệu ăn kèm gồm thịt gà, hải sản và các loại rau. Lẩu cháo không bao giờ có vị cay, độ mặn ở mức vừa phải nên hương vị khá tinh tế.

Lẩu còn là món ăn rất phổ biến tại các quốc gia Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...Tại mỗi nơi, lẩu lại có những đặc điểm khác biệt.


2. Lẩu Thái Lan



Lẩu Thái là món ăn nổi tiếng bậc nhất, tiêu biểu nhất cho phong cách ẩm thực xứ chùa vàng. Hương vị nổi bật trong món lẩu Thái là chua và cay. Đây là hương vị rất đặc trưng của lẩu Thái ít bị lẫn với bất kỳ món lẩu nào khác bởi hương thơm của riềng, sả cùng lá chanh Thái, nhất là độ cay nồng của ớt.

Món lẩu Thái là biến thể nâng cấp từ món canh chua Thái (Tom yung). Nguyên liệu chính của lẩu Thái là hải sản, có thể dùng thêm thịt bò, thịt lợn, ăn kèm bún, rau muống và bắp chuối tạo nên một bữa ăn ngon miệng. Lẩu Thái được chế biến công phu, trình bày đẹp mắt trong những dụng cụ mang đậm phong cách của người Thái.


3. Lẩu Hàn Quốc



Lẩu tại Hàn Quốc khá đa dạng về chủng loại. Người Hàn Quốc sử dụng phổ biến một vài thực phẩm tiêu biểu như hải sản (đặc biệt là bạch tuộc), thịt bò, nấm nên các loại lẩu cũng có tùy biến tương tự cho phù hợp. Một số loại lẩu ngon được nhiều người ưa thích có thể kể tới lẩu chiên Sinseollo, lẩu thịt bò Sogogi jeongol, lẩu nấm Beoseot jeongol, lẩu hải sản Haemul jeongol, lẩu bạch tuộc Nakji jeongol...


Mặc dù vậy, khi nhắc tới lẩu Hàn Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới món lẩu kim chi chua cay hấp dẫn. Lẩu kim chi khá đơn giản nhưng có hương vị rất đặc trưng mà người Hàn yêu thích, đó là đậm đà, cay cay tê tê, càng đun nóng thì càng được xuýt xoa, xì xụp thích thú. Ăn lẩu kim chi, bạn không cần đến công đoạn chờ đợi để chần hay nhúng thêm thứ gì, bởi trong nồi lẩu đã có sẵn đầy đủ "dưỡng chất", gồm thịt ba chỉ, nấm, đậu hũ tươi. Lẩu kim chi còn thường được phục vụ kèm các món phụ gọi là panchan và một tô cơm trắng.


4. Lẩu Nhật Bản


Món lẩu nổi tiếng nhất tại Nhật Bản phải kể tới Shabu Shabu. Tên Shabu Shabu được đặt dựa theo âm thanh khi nhúng thịt vào nước dùng. Thịt để ăn lẩu của người Nhật phải là loại thịt bò tươi, được xắt thành miếng lớn nhưng bản mỏng. Lẩu Shabu Shabu được uống kèm với rượu sake, bia lạnh, trà nóng hoặc là rượu vang đỏ.


Khi dùng lẩu, người ăn thường lấy thịt bò nhúng qua nước lẩu cho vào chén ăn kèm với nước chấm. Nước lẩu Shabu Shabu đơn giản chứ không cầu kỳ và đa nguyên liệu như lẩu Tứ Xuyên, hương vị cũng giản dị, không chua cũng không cay mà mang vị hơi ngọt, khá dễ ăn.

 

Theo Một Thế giới