Kim Ngân (22 tuổi), nữ du khách đến từ Cần Thơ, cho biết: “Vườn dâu đẹp quá, lâu nay em nghe nói dâu tây và nghĩ rằng chúng chỉ nằm dưới đất chứ ai ngờ lại nằm trên giàn trông đẹp như thế này. Chuyến đi này quả thật cho em nhiều trải nghiệm thú vị”.
Còn đôi bạn trẻ đến từ Đồng Nai là Đỗ Ngọc Hòa - Lê Quỳnh Minh Tâm cứ say sưa chọn cho mình những góc hình với vườn dâu làm kỷ niệm. “Bạn em đi Đà Lạt nhiều lần rồi, nhưng đây mới là lần đầu tiên chúng em biết đến vườn dâu tây. Quả thật quá tuyệt vời, em không thể nào diễn tả nổi cảm xúc. Người ở vườn dâu rất chu đáo, vào đây tụi em không tốn tiền gì cả, khi ra về tụi em cũng mua vài món ủng hộ…”, Ngọc Hòa chia sẻ.
Phan Tuấn Linh tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Đà Lạt năm 2001, và đi làm kinh doanh đủ thứ nghề để kiếm sống. Ba năm sau khi ra trường thì Linh lập gia đình và đến năm 2006, chàng trai trẻ này về TP.HCM mở công ty xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Cũng từ đây mà Linh tiếp cận và hiểu sâu hơn về mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
“Mình nghĩ thấy xu hướng này tốt, có chiều sâu và nhiều triển vọng, có tương lai. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu mình thấy dâu tây là một loại trái nổi tiếng, có thương hiệu ở Đà Lạt, nhưng ngoài thị trường thì lại trôi nổi làm “mất lòng” du khách. Mình nghĩ có thể trồng cây này để tạo uy tín cho thương hiệu du lịch Đà Lạt nên năm 2013 quyết định rời Sài Gòn quay về Đà Lạt làm nông dân trồng dâu tây”, Linh cho hay.
Trồng dâu tây phải kỳ công chăm sóc
Bao nhiêu tiền tích cóp được, Linh đầu tư làm nhà kính, công nghệ và chọn cây dâu tây giống New Zealand để trồng. “Ban đầu chưa có kinh nghiệm, hơn nữa cũng không nghĩ là cây dâu tây khó trồng như thế này. Cây chết lên chết xuống, vốn thì cứ tiếp tục đổ vào mà không thu được đồng nào. Vợ cũng cằn nhằn và khuyên mình chuyển qua trồng atisô theo truyền thống của gia đình, nhưng mình không những không đồng ý mà còn quyết tâm hơn để trồng cho bằng được cây dâu này. Nghiên cứu sách vở, đến các vườn dâu khác tham quan tìm hiểu và học hỏi đúc rút kinh nghiệm và phải mất 9 tháng trời như vậy mình mới tìm ra quy trình trồng cho riêng mình và giờ đến chu kỳ thành công. Tháng 7.2015, công ty mới của mình với tên gọi: Công ty TNHH DL NATURE’S được ra đời”, Phan Tuấn Linh tâm sự.
Phan Tuấn Linh giới thiệu với du khách về cây dâu tây
Cũng theo Linh, với cây dâu tây thì không chỉ có nhà kính, công nghệ và tưới nước bón phân là được mà cần phải hiểu biết về nó. “Phải biết tưới nước, bón phân như thế nào cho phù hợp, đặc biệt là chăm sóc rất công phu, phải thường xuyên có mặt ở vườn để quan sát nhìn cây như thế nào và cây đang bị thiếu hay bị bệnh gì mà xử lý cho phù hợp. Hơn nữa trái dâu tây là một “cục thịt tươi lộ thiên” nên thu hút nhiều loài sâu bọ tìm đến, vì vậy mình phải kỳ công theo dõi mới phát hiện và ứng phó kịp thời. Từ thành công với mô hình này, mình đã mua thêm 2 ha đất ở huyện Lạc Dương, dự kiến năm 2016 mình sẽ đầu tư một mô hình khép kín: trồng, chế biến dâu tây và các loại cây trái đặc sản khác của Đà Lạt ngay tại chỗ, đồng thời đưa mô hình vào phục vụ du lịch để cho du khách tham gia xuyên suốt tất cả các quy trình này nếu có nhu cầu”, Phan Tuấn Linh chia sẻ.
Phan Tuấn Linh trong quầy đặc sản ngay khu vườn dâu của mình
Bảng giới thiệu điểm dừng chân tham quan vườn dâu của Linh
Theo Gia Bình/ Thanh Niên Online
Ảnh G.B