Doanh nhân đương thời
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

  • Kiến thức
  • Cụ bà 75 tuổi bán vé số nuôi cháu khuyết tật

Cụ bà 75 tuổi bán vé số nuôi cháu khuyết tật

Nằm khuất sâu trong con hẻm cắt ngang đường Trần Tấn (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM), người dân đã quen với hình ảnh cụ bà đầu tóc bạc trắng, lom khom, bán vé số dạo để nuôi thân và nuôi đứa cháu ruột 13 tuổi bị khiếm khuyết về não.

 

Những lúc vắng khách Khánh Bình chỉ biết ngồi xoa đầu bà

Phận già mưu sinh

Đến đường Trần Tấn, hỏi thăm về bà cụ bán vé số nuôi cháu khuyết tật dường như mọi người khu vực này dường như đã quen thuộc với hình ảnh cụ bà với chiếc xe đẩy, bên trên là những tấm vé và đằng sau là đứa cháu khù khờ len lỏi khắp con hẻm để bán vé số mưu sinh. 
 
“Bà ấy tên Phan Kim Xuân, đã 75 tuổi rồi, bà Xuân bán vé số ở đây cũng đã 20 năm. Lúc trước còn khỏe mạnh bà ấy bán đủ chỗ hết, hôm thì Tân Phú, bữa thì Tân Bình, ngày khác thì qua tới quận 10, quận 5. Tuy nhiên, bốn năm nay, do sức khỏe yếu nên chỉ ngồi bán ở đầu đường Trần Tấn, nhiều người thấy bà tội ngày nào cũng mua ủng hộ bà 2, 3 tờ vé số.” – Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, hàng xóm của bà Xuân cho biết.
 
Như thường lệ, mỗi ngày cứ tầm 6 giờ sáng bà Xuân lại bắt đầu hành trình mưu sinh của mình cho đến tối mịt. Bước ra từ gác trọ 5m2, mỗi buổi sáng đứa cháu Khánh Bình (13 tuổi) phải dìu bà bước từng bậc thang để leo xuống căn gác cao gần 10 mét, để tiện cho việc đi lại hàng xóm đã làm cho bà chiếc xe đẩy để bà di chuyển được nhanh hơn.
 
 
Phòng trọ nằm ộp ép 5m2 trên căn gác cao gần 10 mét, mỗi lần đi bán Khánh Bình phải dìu bà Xuân đi chậm rãi xuống cầu thang.
 
 
“Không có chiếc xe này bà không đi lại được, bây giờ chân tay ê ẩm hết rồi, cứ đi vài bước là ngồi bệt xuống đường ngồi nghỉ chân.” – Bà Xuân thở dài nói.
 
Sau khi len lỏi quanh các con hẻm quen thuộc, bà và đứa cháu ngoại dừng chân tại vỉa hè đầu đường Trần Tấn để dựng dù che nắng, che mưa để tiếp tục bán vé số cho đến tối.
 
Ngồi trên chiếc ghế xếp, bà Xuân buồn bã nói: “Bán vé số thất thường lắm, lúc được lúc không. Hôm nào có đài xổ số TP.HCM mở xổ (thứ 2, 7 –PV) thì thu nhập có khá hơn, còn bình thường bán được 100 tờ thì thu được 130.000-150.000 đồng. Cũng theo bà Xuân, đa phần người dân vẫn thích mua vé số đài TP.HCM xổ hơn bởi có thể lãnh thưởng nhanh và thuận tiện khi đi nhận thưởng.
 
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết TP.HCM từ đầu năm 2018 đến nay đơn vị này đã chi trả thưởng hơn 734 tỷ đồng, trong đó có 58 khách hàng đã trúng giải đặc biệt với 156 vé trúng.


Hoàn cảnh đáng thương
 
Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi tâm sự với chúng tôi bà luôn tươi cười, không than trách cuộc đời. Ở tuổi thấp thập cổ lai hy, mái đầu bạc trắng của bà cụ đã trải qua chuỗi ngày tháng cùng cực, bi kịch nối tiếp bi kịch.;
 
Gạt đi những giọt nước mắt vào lòng, bà Xuân kể: “Quê gốc của bà ở Bến Tre, nhà nghèo lại đông anh chị em, năm 20 tuôi bà đã lên Sài Gòn để mưu sinh. Sau đó lập gia đình và sinh được 3 đứa con gái, cứ tưởng cuộc sống đã được trọn vẹn. Nhưng rồi các con lại lần lượt bỏ tôi mà đi xa trong cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. 
 
Cả 3 đứa con bà đều bạc mệnh. Người mất vì bệnh tật, người thì vì cuộc sống gia đình không hạnh phúc đã tự tử, bỏ lại đứa con trai cho bà nuôi. Đứa còn lại thì không may đi đào vàng cùng chồng không may gặp tai nạn cũng qua đời, bỏ lại đứa con trai bị hen suyễn.”
 
Bà Xuân năm nay đã 75 tuổi, sức khỏe ngày càng suy giảm, chân không thể trụ vững được lâu nên chiếc xe đẩy tự chế đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu trong những ngày mưu sinh. Mang trong mình căn bệnh sỏi mật và đôi tai không còn nghe rõ, cùng những cơn đau đầu dữ dội mỗi khi thời tiết thay đổi, nhưng bà vẫn kiên trì hằng ngày lặn lội đi bán từng tờ vé số.
 
 
Chiếc xe đẩy tự chế đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết trong mỗi chuyến mỗi sinh của bà Xuân.
 
 
Đứa cháu Khánh Bình, vì thương ngoại vất tả mưu sinh ngày nào cũng đi theo chân bà, phụ giúp cho bà đỡ cơ cực hơn. Ở tuổi 13 các bạn đồng trang lứa đều được cắp sách đến trường, vui chơi cùng chúng bạn. Khánh Bình lại lủi thủi theo bà, mang trong mình căn bệnh khiếm thính bẩm sinh, khó nói, tính khí hay nổi nóng bất thường.
 
Còn đứa cháu Tiểu Bình, đã ngoài 20 tuổi, thương cảnh ngoại tuổi cao, sức yếu nên cũng xin đi làm công ở các cơ sở sắt, này đây mai đó, do không có bằng cấp nên tiền lương của Bình cũng không phụ giúp được bà và nuôi Khánh Bình.
 
Tuổi cao, sức khỏe ngày càng yếu làm cho bà Xuân đâu ốm triền miên. Mới đây, bà phải nhập viên vì căn bệnh sỏi mật tái phát và phẫu thuật gấp. Nhưng, vì không có tiền làm phẫu thuật bà đã xin bác sĩ về nhà để uống thuốc chống chọi với căn bệnh để tiếp tục bán vé số, mong có tiền nuôi cháu sống qua ngày.
 
“Nhiều lần đi bán bị côn đồ giựt vé số, già cả rồi, chân tay cũng yếu nên cũng không làm được gì, cũng không dám hô hoán vì sợ bọn chúng quay lại trả thù. Hằng ngày bỏ vốn ra để lấy vé số bán, hôm nào may mắn thì bán hết, còn xui rủi bị giựt thì về tay trắng.” – Bà Xuân kể.
 
Cuộc sống vất vả với nhiều nỗi lo âu, đôi gánh mưu sinh nặng trĩu trên đôi vai cụ bà đã ngoài 75, gầy yếu, nhưng bà Xuân vẫn luôn giữ cho mình một tinh thần yêu đời và lạc quan.“Đến tuổi này rồi, bà cũng không cầu mong gì ngoài sức khỏe, có sức khỏe bà đi bán để nuôi cháu đến lớn, có tiền cho nó đi học nghề, nó mà có nghề nghiệp ổn định bà chết cũng được” – Bà Xuân trải lòng.

 
Duy Quan (Tổng hợp)/ Theo http://phapluatmoitruong.vn